ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THỜ CHÍNH TÒA GIÁO PHẬN THANH HÓA
Nhà Thờ do linh mục Bourlet Độ xây từ năm 1926 tới 1930.
Lịch sử hình thành Nhà Thờ Chính Tòa Giáo phận Thanh Hóa

Cùng với nhiều miền đất trong đất nước, Thanh Hóa đã sớm nhìn thấy bóng dáng các vị tông đồ mang Tin Mừng cứu độ của Đức Giê su đến truyền bá cho nhiều người. Theo Đỗ Tộc Gia Phả tìm thấy tại Bồng Trung, thuộc xứ Kẻ Bền, giáo phận Thanh Hóa, cụ Đỗ Hưng Viễn có thể là người tín hữu đầu tiên của giáo phận này. Cụ đã tòng giáo dưới thời vua Lê Anh Tôn (1556-1573). Nhưng chắc chắn phải đợi đến sau ngày cha Đắc Lộ đặt chân đến Cửa Bạng (19.03.1627) và truyền giáo rộng rãi tại đây, người ta mới chứng kiến những cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Thanh Hóa.
Nhận thấy số tín hữu trong khắp nước ngày càng đông và rất sốt sắng, ngày 09.09.1659, Đức Thánh Cha Alexandre VII công bố sắc lệnh “Super Cathedram Principis” chia các cộng đoàn tín hữu trong Nam và ngoài Bắc thành hai giáo phận Tông Tòa: Đàng Trong và Đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm ranh giới. Thanh Hóa thuộc Địa phận Đàng Ngoài. Địa phận này rất dài và đông dân cư, thoạt đầu chỉ chia thành hai: Đông và Tây Đàng Ngoài, lấy sông Hồng làm ranh giới (1679), rồi dần dần mỗi bên lại chia thêm. Riêng Địa phận Tây Đàng Ngoài đã cắt phần cực Nam thành địa phận Vinh (1846), phần Tây Bắc thành Giáo phận Hưng Hóa (15.04.1895) và cuối cùng, phần Duyên hải phía Nam thành Địa phận Thanh (19/04/1901) bao gồm các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Châu Lào. Đến năm 1924, Địa phận Thanh, hay còn gọi là địa phận Bắc Kỳ Duyên Hải (Tonkin Maritime), trở thành Địa phận Phát Diệm khi tất cả các địa phận nhận tên của nơi có tòa giám mục.

Về các giáo xứ tại tỉnh Thanh Hóa thuộc Địa phận Phát Diệm, cho đến ngày 07.05.1932, Tòa Thánh đã lập ra địa phận mới, bao gồm 2 tỉnh: Thanh Hóa ở đất Việt và Sầm Nưa ở đất Lào, trao cho đức cha Louis de Cooman, tức đức cha Lu-y Hành làm đại diện Tông Tòa. Tình hình kéo dài cho đến ngày 24.11.1960, Tòa Thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và tất cả các địa phận tông tòa Việt Nam được nâng lên thành giáo phận chính tòa. Đức cha Phêrô Phạm Tần trở thành Giám mục Chính tòa tiên khởi của Giáo phận Thanh Hóa. Ngày nay, Giáo phận Thanh Hóa thuộc Giáo tỉnh Hà Nội và năm 2017 vừa qua đã tổ chức năm thánh kỷ niệm 85 năm thành lập Giáo phận.
Thiết kế kiến trúc Nhà Thờ Chính Tòa Thanh Hóa
Nơi đây được biết tới là một trong những Nhà Thờ có lối kiến trúc đẹp và độc đáo. Vừa mang nét đẹp hiện đại, vừa cổ kính, mang đậm phong cách kiến trúc của Gothic và Phương Đông. Tất cả điều này mang tới sự hài hòa, giúp nhà thờ trở thành điểm đến vô cùng ấn tượng.
Khi đặt chân tới Nhà Thờ Chính Tòa, trước mắt chúng ta là một công trình kiến trúc khá bắt bắt. Tuy chỉ được thiết kế 1 tầng đủ để trưng bày nội thất bên trong Nhà Thờ và khu làm lễ. Bên ngoài Nhà Thờ còn có hành lang để du khách có thể tới và đi tản bộ, thăm quan trọn vẹn vẻ đẹp của Nhà Thờ. Mái hiên được che chắn cẩn thận, vì thế kể cả những ngày mưa gió bão bùng, thì bên trong Nhà Thờ vẫn được tổ chức các buổi rước kiệu, cung nghinh như bình thường.
Lễ Noel tại Nhà Thờ Chính Tòa


Các hoạt động, sự kiện tại Nhà Thờ Chính Tòa
Khi đến với Nhà Thờ Chính Tòa Giáo phận Thanh Hóa chúng ta như được thoát khỏi không gian xô bồ của phố thị, mà cảm nhận được không gian an yên, những phút giây thanh tịnh để thư giãn sau chuỗi ngày làm việc vất vả, mệt mỏi. Quả thực, đây là điểm đến lý tưởng để bạn có thể dễ dàng gần gũi với Thiên Chúa và tìm lại con người thật của chính mình.
Nhà Thờ Chính Tòa là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở thành phố Thanh Hóa. Tuy không quá đồ sộ hay quá nổi bật, nhưng nó lại mang tới sự yên bình, không gian thiêng liêng, khiến bất cứ ai đi qua cũng đều bị thu hút. Và cũng chính bởi vẻ đẹp, sự độc đáo trong thiết kế kiến trúc, mà Nhà Thờ còn là điểm check-in lý tưởng cho rất nhiều du khách. Trong đó có rất nhiều cặp đôi uyên ương cũng lựa chọn Nhà Thờ là điểm lưu lại hình ảnh đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
BIÊN TẬP (SƯU TẦM): Bộ phận Văn hóa - Xã hội